Tiểu sử Đình_Tây

Đình Thới Sơn, nơi Đình Tây hành đạo.

Không biết cha mẹ Đình Tây là ai và quê quán ở đâu, nhưng theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Hầu thì xưa kia ông có một người chú ruột ở tại Năng Gù. Như vậy, thuyết quê ông ở Năng Gù có phần đúng hơn thuyết ở Nhơn Hòa (cả hai nơi đều thuộc tỉnh Châu Đốc, nay thuộc tỉnh An Giang).

Vì theo ở làm con nuôi cho người bác là ông Tăng Chủ (tức Bùi Thiền Sư), và được ông này giao cho coi sóc ngôi đình Xuân Sơn (nay là đình Thới Sơn[3]), cho nên người đời quen gọi là ông Đình chứ không phải chữ lót là Đình, hay ông giữ chức Hương đình vào buổi ấy.

Ông có hai đời vợ. Bà trước (không biết tên) sanh được có một trai tên là Bùi Văn Vẹt (ở Năng Gù và đã chết). Khi vợ trước mất, ông cưới bà sau tên là Trần Thị Của (1841 - 1907) ở làng Thới Sơn. Bà sau sanh hạ được một trai, ba gái. Trưởng là Bùi Văn Sửu, rồi đến Bùi Thị Lý, Bùi Thị Cơ, Bùi Thị Nhẫn.

Ông dáng người mạnh mẽ, không cao lắm, có bề ngang, gương mặt tròn mà trắng, lúc tuổi già thì râu tốt, mặt trổ đồi mồi và lưng hơi còm.

Hồi nhỏ ông có học chữ Nho, lớn lên thì chuyên nghề ruộng rẫy. Thích ăn trầu, tánh ôn hoà nhưng quả cảm, không ưa những điều tà vạy.

Ông quy y với Phật Thầy vào năm nào không rõ, nhưng người ta thấy ông cùng với Tăng Chủ và Phạm Văn Lăng đã đến ở trại ruộng Thới Sơn do Phật Thầy thành lập ngay từ buổi đầu.

Trước năm 1975, GS. Trịnh Vân Thanh viết:

Ông Đình Tây có tướng mạo cao lớn, khi già thì lưng còm và mình mẩy trổ đồi mồi.Đặc biệt, cách chữa trị của ông thật lạ, bất cứ ai đau bệnh gì ông chỉ dùng miểng sành cắt cho thì hết bệnh, nên trước nhà ông hồi đó có một đống miểng ngùn ngụn lối chừng bốn năm chục giạ lúa...

Và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam cũng có đoạn:

Ông nổi tiếng võ thuật cao, sức mạnh không ai sánh kịp, lại có lòng yêu nước, có nhiều đóng góp trong việc vận động quần chúng chông quân xâm lược Pháp. Khi ông mất, đồng đạo và đồng bào đều thương khóc.

Hiện nay người đến viếng đình Thới Sơn, nơi ông hành đạo (nay thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang), sẽ thấy phía trước đình có một ao nước rộng chứa nước sinh hoạt cho cả vùng. Chính tại ao này khi xưa là nơi Đình Tây lén thả nuôi con sấu dữ.

Cách đình khoảng vài trăm mét là mộ ông bà Đình Tây (mộ không đấp nấm) và nơi thờ những "báu vật" sẽ kể ngay sau đây.